Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

ĐÔ THỊ MỸ PHƯỚC NGÀY CÀNG KHANG TRANG

Nằm ở trung tâm huyện Bến Cát, thị trấn Mỹ Phước hiện có các khu công nghiệp lớn, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư. Để phát triển bền vững, cùng với công nghiệp, đô thị Mỹ Phước cũng được chú trọng quy hoạch ngay từ đầu và từng bước được xây dựng theo quy hoạch.

Nhờ vậy mà diện mạo Mỹ Phước ngày càng được định hình khang trang, nề nếp; góp phần quan trọng vào việc phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.


Một góc khu đô thị Mỹ Phước hiện hữu
 
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Từ chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của Tỉnh ủy và các giải pháp chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng làm nền tảng đột phá của UBND tỉnh, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, bộ mặt công nghiệp và khu đô thị Mỹ Phước đã hoàn toàn thay đổi. Từ một vùng đất gò đồi hoang hóa, nơi đây đã trở thành trung tâm công nghiệp của huyện Bến Cát, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư, đưa Bến Cát trở thành một trong những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh, giá trị sản xuất đạt 50.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị công nghiệp chiếm đến 86,2%. Nhờ xác định thị trấn Mỹ Phước là trung tâm công nghiệp của huyện, ngay từ những ngày đầu xây dựng các KCN, hạ tầng giao thông đô thị, nơi đây đã được quy hoạch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người dân địa phương. Nhờ vậy, các KCN kết nối đồng bộ với mạng giao thông của tỉnh và của khu vực, tạo thuận lợi để công nghiệp phát triển.
 

 Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử của một DN Nhật Bản tại KCN Mỹ Phước
 
Tính đến nay, Bến Cát đã thu hút hơn 1.600 dự án của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước; trong đó có 1.177 dự án của DN trong nước với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng và 430 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ... với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỷ USD. Phần lớn, các dự án này đều tập trung vào các KCN Mỹ Phước. Tại đây còn có những dự án với số vốn đầu tư lớn, như: Nhà máy sản xuất vỏ ô tô của Kumho Tires, vốn đầu tư 380 triệu USD; Công ty Giấy Graft Vina (Thái Lan) vốn đầu tư 180 triệu USD; Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 90 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation (Nhật Bản), vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Công ty Tomoku (Nhật Bản) 47 triệu USD... Một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, cho biết tập đoàn này lựa chọn Mỹ Phước để đặt nhà máy sản xuất là do nơi đây có hạ tầng giao thông, KCN và đô thị phát triển đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, hạ tầng đô thị hoàn chỉnh là động lực giúp nhà đầu tư an tâm bỏ vốn làm ăn, vì đô thị phát triển sẽ giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn nhân lực để làm ăn lâu dài.

Công nghiệp và đô thị phát triển, kéo theo dịch vụ phát triển. Theo số liệu của UBND huyện, mỗi năm Bến Cát có gần 2.000 giấy phép kinh doanh được cấp mới cho hộ kinh doanh cá thể. Toàn huyện hiện có hơn 17.100 hộ kinh doanh cá thể với tổng số vốn đăng ký hơn 2.200 tỷ đồng; phần lớn tập trung tại Mỹ Phước. Các hộ kinh doanh cá thể này đã góp phần đưa giá trị dịch vụ của Bến Cát lên 4.100 tỷ đồng/năm. Dịch vụ phát triển ngoài việc giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, còn góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước tại địa phương.

Chú trọng phát triển đô thị

Song song với việc chú trọng phát triển công nghiệp, chính quyền huyện Bến Cát và nhà đầu tư rất chú trọng việc phát triển đô thị tại Mỹ Phước. Bằng chứng là song song với việc phát triển các KCN tại Mỹ Phước, Bến Cát đã quy hoạch và xây dựng các khu dân cư, đô thị để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động tại đây theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa. Rút kinh nghiệm từ nhiều tỉnh, thành khác là nhu cầu tới đâu, phát triển đô thị tới đó, Đất Bình Dương chọn giải pháp quy hoạch đi trước, rồi từng bước xây dựng các khu đô thị theo quy hoạch nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, tại thị trấn Mỹ Phước, bên cạnh các KCN bài bản, bộ mặt đô thị bước đầu đã định hình và chỉ sau một thời gian ngắn, các khu đô thị này đã thu hút được một lượng lớn người dân từ các nơi đến sinh sống, làm ăn. Từ đó kéo theo thương mại - dịch vụ phát triển, có tác dụng hỗ trợ cho công nghiệp, tạo lực hút đầu tư.

Nhờ có sự quy hoạch và đầu tư đô thị bài bản ngay từ những ngày đầu nên hiện nay, mặc dù có hơn 1.500 DN trong và ngoài nước với hàng trăm ngàn chuyên gia, kỹ sư, quản lý và công nhân lao động đến làm việc hàng ngày, nhưng bộ mặt khu đô thị Mỹ Phước vẫn khang trang, sạch đẹp. Điều này rất khó thực hiện đối với những vùng đất công nghiệp mới phát triển.

Xây dựng đô thị phục vụ mục tiêu phát triển bền vững là quan điểm chung của Bình Dương, công nghiệp phải luôn gắn kết với đô thị và đô thị phát triển sẽ phục vụ công nghiệp phát triển bền vững mà Mỹ Phước là minh chứng thuyết phục cho vấn đề này. Nói như ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, quy hoạch đô thị tốt vừa tạo diện mạo mới cho địa phương, vừa phục vụ công nghiệp phát triển, tạo thêm lực để thu hút đầu tư. Khu Đô thị Mỹ Phước đang từng bước được định hình, thời gian tới nơi đây sẽ phát triển xứng tầm là trung tâm của thị xã Bến Cát và là quận công nghiệp của thành phố Bình Dương trong tương lai.

Định hướng phát triển đến năm 2015, Bến Cát trở thành thị xã thuộc tỉnh Bình Dương, đến năm 2020 trở thành quận của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương. Mỹ Phước là trung tâm của Bến Cát và có tiềm năng để phát triển trở thành một đô thị hiện đại. Thấy được tiềm năng này, cùng với các DN trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng quan tâm đầu tư phát triển đô thị tại Mỹ Phước; trong đó Tập đoàn SP Setia nổi tiếng của Malaysia trong lĩnh vực đầu tư đô thị đã đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Ecolakes Mỹ Phước với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD… 

Batdongsan Binhduong....

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

http://datnenmyphuoc.stt.vn